Ngụy biện, hay fallacy, là một hiện tượng rất phổ biến trong các cuộc tranh luận. Nhưng mức độ phổ biến về nguỵ biện ở Việt Nam có vẻ cao hơn so với các nước có nền tự do báo chí tốt. Theo dõi những tranh luận chung quanh vấn đề sửa đổi và góp ý cho hiến pháp trong thời gian gần đây, tôi thấy những nguỵ biện thường tập trung vào những tấn công cá nhân, lợi dụng quyền thế, và đánh lạc hướng chủ đề. Điều đáng ngạc nhiên là những người phạm phải lỗi lầm về tranh luận lại là những người mang đầy học vị và học hàm trên người.
Mấy tuần qua, Nhà nước phát động phong trào góp ý cho dự thảo hiến pháp. Một ban soạn thảo hiến pháp đã trình làng bản thảo hiến pháp để người dân góp ý. Lập tức, nhiều nhóm nhân sĩ và trí thức tham gia góp ý. Đáng chú ý là có một nhóm độc lập, tạm gọi là “Nhóm 72”, trình bày một bản thảo hiến pháp cho công chúng đọc và so sánh với bản thảo của Nhà nước. Bản thảo này đã nhận được hàng ngàn chữ kí ủng hộ của đủ mọi thành viên trong xã hội. Ngay sau đó, một vài chuyên gia, mang hàm giáo sư với học vị tiến sĩ, tham gia tranh luận sôi nổi. Các chuyên gia này chỉ trích những người trong Nhóm 72, và những dự thảo trong bản thảo đó. Người viết bài này không có ý kiến gì về hiến pháp, nhưng thích theo dõi cuộc tranh luận này.
Có thể nói rằng cuộc tranh luận không bình đẳng. Một bên là các chuyên gia của Nhà nước dùng hệ thống truyền thông của Nhà nước để phản bác và chỉ trích Nhóm 72, nhưng những người trong Nhóm 72 thì hầu như không có tiếng nói trên hệ thống truyền thông của Nhà nước! Nhóm 72 và những người góp ý chỉ sử dụng mạng, dưới hình thức blog, để bày tỏ ý kiến của họ. Mà, số người có thể truy cập blog cũng chẳng bao nhiêu vì phần lớn blog đều bị Nhà nước ngăn chận! Đó là một cuộc tranh luận không công bằng.
Càng không công bằng khi các chuyên gia Nhà nước dùng toàn những thủ thuật mang tính nguỵ biện. Chẳng hạn như có người viết trên một tờ báo lớn trong nước rằng “… hiện nay đang có một số phần tử cơ hội chính trị, được các thế lực thù địch phản động tiếp sức đang lợi dụng công việc quan trọng này để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.” Phải nói rằng đó là một qui kết rất nặng nề. Nhưng cách qui kết như thế có rất nhiều vấn đề về mặt văn hoá tranh luận.
Thứ nhất là chụp mũ và tấn công cá nhân. Dù tác giả chẳng trình bày bất cứ một bằng chứng nào, nhưng đã chụp ngay cái nhãn hiệu “cơ hội chính trị”, “thù địch”, “phản động” lên những người góp ý. Thay vì bàn về những luận điểm của họ, hay nội dung góp ý của họ, tác giả lại chụp cho người ta cái nhãn hiệu chính trị rất ư phản cảm. Làm như thế, tác giả bài viết đã phạm phải lỗi lầm mà tiếng Anh gọi là ad hominem, tức công kích cá nhân, vốn rất phổ biến nhưng cũng rất thấp trong tranh luận.
Mới đây lại có người dèm pha rằng nhóm chủ trương trang cùng viết hiến pháp chẳng có bằng cấp gì về luật. Đó cũng là một luận điệu mang tính nguỵ biện. Đâu phải có bằng cấp về luật hay là chính trị gia mới có tư cách góp ý cho bản dự thảo hiến pháp. Vấn đề không phải nhóm chủ trương có bằng cấp gì, mà là góp ý của họ có hợp lí hay không. Xã hội dân chủ phải cho phép tất cả mọi người có quyền được nói và góp ý vào các vấn đề mang tính quốc gia.
Thứ hai là lợi dụng quần chúng hay đám đông. Chúng ta hay thấy cụm từ “nhân dân” trong các bài viết phản bác Nhóm 72. Tôi không nghĩ có người Việt chân chính nào mà chống lại nhân dân cả. Dĩ nhiên ngoại trừ những kẻ phản quốc hay phản bội dân tộc. Người ta có thể có ý kiến khác với chính quyền, chứ không phải là chống lại nhân dân. Chính quyền chỉ là nhất thời, dân tộc là trường tồn. Trong lịch sử con người, từ Đông sang Tây, không có một chính quyền nào tồn tại “muôn năm” cả. Dựa vào nhân dân một cách mơ hồ để phản bác người khác ý mình là một nguỵ biện. Loại nguỵ biện này có tên là ad numerum – dựa vào số đông. Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một đề nghị nào đó, thì đề nghị đó phải đúng. Ví dụ như “Đại đa số người dân trong cộng đồng ủng hộ ông Minh, vậy phát biểu của ông Minh ắt phải đúng.”
Thứ ba, một nguỵ biện như trên còn xuất hiện trong một bài viết của một vị giáo sư, khi ông cho rằng “Đảng với nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của hân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân,” và hình như vẫn chưa đủ, nên ông thêm “phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc.” Đây có thể xem là một nguỵ biện ad consequentiam hay lợi dụng hậu quả. Ngụy biện loại này thường được biểu hiện qua cách phát biểu “A hàm ý B, B là sự thật, do đó A là sự thật”. Kiểu lí luận này chẳng khác vì cách nói: “Nếu vũ trụ được một đấng chí tôn thượng đế tạo nên, chúng ta có thể thấy những hiện tượng được tổ chức một cách thứ tự. Và hiện tượng chung quanh chúng ta quả rất thứ tự, vậy đấng chí tôn thượng đế chính là người tạo nên vũ trụ”! Cách lí luận của vị giáo sư chẳng những mang tính đe doạ (đến sự tồn vong của Tổ quốc) mà còn có thể hiểu rằng “Các anh chị phải tin vào Đảng, chứ nếu không Tổ quốc ngày sẽ lâm nguy”.
Thứ tư, một loại nguỵ biện khác mới xuất hiện là “lợi dụng lòng thương hại” (ad misericordiam). Tiêu biểu cho nguỵ biện này là của một vị phó giáo sư tiến sĩ lí luận rằng Đảng CSVN có công cướp chính quyền và hi sinh xương máu, nên Đảng có quyền điều hành đất nước. Nhưng những hi sinh cao cả đó (không chỉ trong Đảng mà còn đa số người ngoài Đảng) không có ăn nhập gì đến đề tài đang bàn là tính hợp lí của lãnh đạo. Với kiểu lí luận đó, thì những người lấy cái máy laptop của tôi cũng có thể nói “tôi phải tốn rất nhiều công sức và da thịt bị trầy xước như thế này để lấy được cái máy của ông, nên tôi phải làm chủ nó”. Cố nhiên, không ai nghe được kiểu lí luận đó. Đây là một lí luận mang màu sắc cảm tính, kêu gọi lòng trắc ẩn của người đối thoại để người đối thoại chấp nhận lí lẽ của mình.
Thật ra, đọc những phản biện của các chuyên gia trên báo chí, có thể phát hiện rất nhiều ngụy biện, nhưng những ngụy biện trên là phổ biến nhất. Nguỵ biện là một biểu hiện, một hệ quả của lười biếng suy nghĩ. Vì lười biếng suy nghĩ nên người ta sẵn sàng tuôn ra những câu chữ, những ý tưởng mặc định đã có sẵn trong đầu. Những ý tưởng mặc định đó có thể đã được cấy vào não trạng quá lâu, nên khi thốt ra, nó trở thành một quán tính. Phát biểu theo quán tính không có đóng góp gì cho một cuộc tranh luận có chất lượng và có văn hoá. Để công bằng trong tranh luận, những người tham gia phải có quyền lên tiếng trong một diễn đàn, và quan trọng hơn là phải biết dùng lí luận và logic để thảo luận, chứ không thể cứ gán ghép cho đối phương những từ ngữ mặc định mang tính nguỵ biện. Nếu lí lẽ đúng và có chân lí thì cứ bình tỉnh phát biểu và trình bày lí lẽ của mình, chứ không nên chụp mũ người khác. Có lẽ các chuyên gia đang phản bác Nhóm 72 nên ghi nhớ lời của tổng giám mục Desmond Tutu: đừng lên giọng, hãy trau dồi lí lẽ (Don’t raise your voice, improve your argument)
Đăng nhận xét